Chỉ điểm 6 dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy và cách nhận biết
- 16:13 30-09-2024
- Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Bá Hùng
Tiêu chảy là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như mất nước và suy dinh dưỡng. Hiểu rõ dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy là cách tốt nhất để mẹ có các biện pháp chăm sóc con đúng và an toàn.
Vì sao trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng có thể nhiều hơn 3 lần trong một ngày, thời gian kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, từ những thay đổi trong chế độ ăn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh bị tiêu chảy. Các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập và làm rối loạn đường ruột của con.
- Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh hoạt động yếu. Chính vì thế, trẻ có thể bị tiêu chảy khi mẹ cho con uống các loại sữa công thức có thành phần không phù hợp.
- Một số trẻ có thể bị dị ứng với protein trong sữa, kém dung nạp lactose, đây đều có thể là các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy.
- Hệ tiêu hóa của con còn non nớt, dễ bị kích ứng, nên khi mẹ thay đổi chế độ ăn trong thời gian cho con bú có thể khiến con tiêu chảy.
- Trẻ sơ sinh nếu được điều trị bằng kháng sinh cũng có thể bị tiêu chảy, do các loại kháng sinh sẽ tiêu diệt cả các vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mẹ cần lưu ý
Phân của trẻ sơ sinh thường mềm và lỏng, chính vì vậy mà không dễ để mẹ nhận biết con có bị tiêu chảy hay không nếu chỉ quan sát phân của con.
Đầu tiên, mẹ cần phân biệt được khi nào con đi ngoài bình thường hoặc bất thường. Trẻ sơ sinh không giống người lớn, không phải lúc nào con đi ngoài nhiều hơn 3 lần một ngày là bị tiêu chảy mà cần quan sát xem tình trạng phân của con như thế nào.
Dưới đây là 6 dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mà mẹ cần lưu ý:
- Phân lỏng, loãng như nước, lượng phân có thể nhiều hơn thường ngày
- Phân có thể có lẫn nhầy hoặc máu, có bọt, nặng mùi hơn
- Tần suất đi ngoài tăng lên đột ngột
- Con sốt hoặc quấy khóc nhiều
- Bú kém, bỏ bú hoặc có thể nôn ói
- Nghiêm trọng hơn là con xuất hiện dấu hiệu mất nước như mắt trũng, tiểu ít, khóc không có nước mắt,…
Mất nước là hậu quả nghiêm trọng nhất của tiêu chảy, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh vì cơ thể của con mất nước rất nhanh chóng. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị mất các chất điện giải quan trọng. Điều này khiến trẻ khó hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng nếu kéo dài.
Nên làm gì khi bé bị tiêu chảy?
Khi đã biết các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, thiết lập các phương pháp chăm sóc đúng là vô cùng quan trọng nhằm giúp trẻ nhanh phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Bù nước và điện giải
Tiêu chảy kéo dài khiến cơ thể trẻ bị mất nước và các chất điện giải quan trọng. Vậy nên, ưu tiên hàng đầu là bổ sung nước và điện giải cho con ngay lập tức. Đối với trẻ sơ sinh đang bú mẹ, mẹ vẫn nên cho con tiếp tục bú. Sữa mẹ không chỉ giúp cung cấp nước mà còn bổ sung các kháng thể hỗ trợ hệ miễn dịch.
Ở những trẻ lớn hơn, mẹ có thể bù nước và điện giải cho con bằng dung dịch Oresol, cần lưu ý pha đúng theo hướng dẫn trên bao bì và cho trẻ uống từ từ từng chút một để tránh nôn trớ.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi hệ tiêu hóa của trẻ khi bị tiêu chảy. Mẹ nên lưu ý một số thực phẩm nên sử dụng và tránh cho con. Nếu con đã ăn dặm trước khi bắt đầu tiêu chảy, nên lựa chọn các thực phẩm giàu tinh bột như cháo, khoai tây nghiền, các loại hoa quả như chuối, táo. Đặc biệt, nếu con uống sữa công thức hãy ưu tiên loại không chứa Lactose vì có thể làm nặng hơn tình trạng tiêu chảy của con.
Mẹ cần tránh các loại đồ ăn có chứa nhiều đường như nước ngọt, kẹo, các sản phẩm từ sữa bò hoặc đồ ăn nhiều dầu mỡ gây khó tiêu và làm trẻ bị tiêu chảy nặng hơn.
Sử dụng thuốc và các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa
Đối với các trường hợp trẻ bị tiêu chảy nguyên nhân do vi khuẩn, việc điều trị bằng kháng sinh là bắt buộc. Tất cả các thuốc hạ sốt, thuốc cầm tiêu chảy, kháng sinh phải được bác sĩ kê đơn, ba mẹ không nên tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ và điều trị tại nhà.
Theo khuyến cáo của Bộ y tế, trẻ bị sơ sinh nên được bổ sung kẽm vào phác đồ điều trị sẽ giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy ở trẻ một cách hiệu quả. Hơn nữa, kẽm còn có tác dụng cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giúp rút ngắn thời gian bị tiêu chảy, làm giảm lượng nước trong phân và giảm nguy cơ mắc các đợt tiêu chảy mới.
Một số câu hỏi thường gặp về trẻ sơ sinh bị tiêu chảy
Có thể ngăn ngừa trẻ sơ sinh bị tiêu chảy bằng cách nào?
Việc đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ là rất quan trọng để phòng ngừa tiêu chảy. Mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi chăm sóc hoặc chơi với con. Tiệt trùng dụng cụ bú, bình sữa và đồ chơi của con là rất cần thiết. Ngoài ra, mẹ nên theo dõi chế độ ăn uống của mình trong thời gian đang cho con bú, tránh các thực phẩm gây dị ứng ảnh hưởng đến trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ tiêu chảy đi khám bác sĩ?
Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao, mất nước, tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày, phân có máu hoặc nôn mửa liên tục, mẹ nên đưa con đến bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám và có các phương pháp điều trị kịp thời.
Nên bổ sung kẽm như thế nào khi trẻ bị tiêu chảy?
Trong thời gian bị tiêu chảy, bổ sung kẽm là phương pháp hỗ trợ giúp bé sớm phục hồi. Theo khuyến cáo của Bộ y tế, liều kẽm cho trẻ được bổ sung như sau:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 10mg/ngày, liên tục trong 10-14 ngày
- Trẻ trên 6 tháng tuổi: 20mg/ngày, liên tục trong 10-14 ngày
Mẹ cần tuân thủ đúng liều lượng và lựa chọn các sản phẩm kẽm phù hợp cho con. Nên chọn dòng kẽm hữu cơ giúp đảm bảo hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ trên đường tiêu hóa đang nhạy cảm của con. Kẽm thường có vị ngái, chát, khó uống vì vậy mẹ các dòng kẽm có vị ngon, dễ uống sẽ tăng sự hợp tác của con.
Nếu mẹ còn có câu hỏi nào về các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, hãy để lại bình luận để được dược sĩ tư vấn nhé!